Con người hay robot quan trọng hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam?
Quỳnh Như – 09:08, 16/08/2018
TheLEADERMáy móc, dù như thế nào vẫn chỉ là công cụ cho con người, do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải tiếp tục đầu tư thích đáng cho nhân sự sau đó mới đến robot.
Nhiều ý kiến cho rằng, robot và công nghệ đang gây nên áp lực thất nghiệp với hàng triệu lao động
Theo các diễn giả tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2018 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức hôm 15/8, dù robot đang là một phần không thể thiếu tạo nên sự tăng trưởng của các doah nghiệp nhỏ và vừa (SME), nhưng nếu xét ở nhiều khía cạnh, con người vẫn quan trọng nhất.
Ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc chi nhánh phía Nam PA Việt Nam nhận xét: “Tầm quan trọng giữa người và robot là 60 – 40, con người vẫn quan trọng hơn. Chúng ta sử dụng máy móc vào những việc nhàm chán, có tính chất lặp lại để nâng cao năng suất lao động, còn chiến lược vẫn phải do con người đề ra”.
Hiện tại, PA Việt Nam đang sử dụng khá nhiều công nghệ cho việc chăm sóc khách hàng, sale và marketing: Tiêu biểu là 2 công nghệ tổng đài ảo và gửi email tự động chạy trên nền tảng điện toán đám mây – icloud. Với những công nghệ trên, PA Việt Nam vừa tiết kiệm được rất nhiều tiền, công ty cũng đã giới thiệu các gói dịch vụ này cho nhiều khách hàng của mình.
Ví dụ, sau khi ngừng một chiến dịch marketing, PA sẽ ngưng sử dụng dịch vụ hoặc dễ dàng tùy biến quy mô gói dịch vụ phụ thuộc vào lượng khách hàng tăng hay giảm.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Phan Dũng, Nhà sáng lập BigCat Entertainment cho biết: “Trong giai đoạn khởi nghiệp đầu tiên, các founder nên tự mình làm tất cả để hiểu các quy trình, biết chúng khó dễ hay khúc chiết như thế nào, đến khi công ty lớn mạnh thì nên sử dụng robot. Theo tôi, tỷ lệ giữa con người và máy là 60 – 40”.
Hiện tại, có rất nhiều công nghệ được sử dụng cho marketing, song qua KOLs vẫn là một kênh quan trọng với các doanh nghiệp. KOLs vẫn tiếp tục là một kênh marketing quan trọng trong năm nay, nhưng đang có một sự chuyển dịch nhẹ: các nhãn hàng không chỉ muốn làm thương hiệu mà còn muốn thông qua các KOLs ra được đơn hàng, bán nhiều hàng hơn.
Trái ngược với quan điểm của 2 diễn giả trên, theo ông Joe Ruelle – Giám đốc phát triển kinh doanh Google Cloud khu vực Đông Nam Á, tầm quan trọng của con người vẫn là 100%. Ông Joe đưa ra 2 ví dụ về tầm quan trọng của con người so với máy móc: con người định hướng cho máy móc làm việc và hiệu quả của các robot mang lại như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của con người.
Theo ông Joe, trước khi nghĩ tới việc xây dựng một hệ thống tuyệt vời, trọn vẹn các SME nên nghĩ tới vấn đề mình cần giải quyết. Từ vấn đề đó chúng ta mới tìm ra giải pháp phù hợp nhằm giải quyết vấn đề, đừng làm ngược lại: vội vàng đi mua về giải pháp sau đó phải đi tìm ra vấn đề để có thể ứng dụng giải pháp đó.
Các diễn giả trong phiên thảo luận: Con người hay robot?
Hay như vấn đề tối ưu hóa các chiến dịch marketing cho doanh nghiệp. Có thể, công nghệ và kỹ thuật của Google rất mạnh, nhưng nếu chỉ dựa trên dữ liệu mà Google có, việc tối ưu hóa sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
Nếu được, các doanh nghiệp nên chọn lọc thêm những data trên hệ thống mà mình đang có rồi cung cấp cho Google, lúc đó việc tối ưu hoá mới mang lại hiệu quả lớn nhất. Các dữ liệu của người truy cập wifi hay camera cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho Google.
Tâm đắc với suy nghĩ của ông Joe Ruelle nhất chắc chắn là Nguyễn Quang Ngọc – Đại diện InfushionSoft Việt Nam. InfushionSoft là công ty chuyên về phần mềm phục vụ công tác quản lý khách hàng, sale và marketing, thành lập 2001 tại bang Arizona – Mỹ, doanh thu 2017 là 100 triệu USD.
Từ những gì mà InfushionSoft đã va vấp trong những ngày đầu đến Việt Nam, rõ ràng, nếu con người không chịu học tập, thì các công nghệ máy móc của họ dù tốt đến đâu cũng bị “vứt” đi.
Năm 2016, InfushionSoft bắt đầu gia nhập thị trường Việt, việc tiếp nhận các sản phẩm từ InfushionSoft của các chủ SME gặp nhiều khó khăn.
Đầu tiên, quy trình và tư duy – chiến lược của các chủ SME Việt Nam chưa đúng. Các chủ SME Việt Nam thường phản ứng tức thời theo sự vụ – sự việc mà không có một chiếc lược dài hơi. Họ chỉ chăm chăm vào việc bán hàng mà quên mất phải đề ra một quy trình làm việc hoặc chiến lược phát triển lâu dài cho công ty. Điều này rất khó cho việc set-up các phần mềm của InfushionSoft vào thực tiễn.
Thứ hai, InfushionSoft cũng như Google và Facebook, muốn dùng tốt các sản phẩm của doanh nghiệp này, các chủ SME cần phải biết một chút về mặt kỹ thuật, học cách tư duy theo cách máy làm việc cho mình, hiểu về tính năng của các công cụ.
Ngược lại, ông Trần Xuân Hải, CEO Missionizer – chuyên huấn luyện các nhà sáng lập công ty – cho rằng: không cần thiết phải đong đo một cách quá cụ thể phần trăm tầm quan trọng giữa người và máy.
“Tôi không muốn chia phần trăm mức độ quan trọng giữa người và máy, vì nhiệm vụ của con người và máy móc khác nhau. Con người thực hiện những công việc mang tính sáng tạo, chuyên sâu còn máy làm những việc nhàm chán, phổ thông, đơn giản, dùng máy hay dùng con người phụ thuộc vào đề bài mà bạn có”, ông Hải phân tích.
Con người tạo ra công nghệ, tất nhiên con người quan trọng hơn. Công nghệ là cánh tay nối dài của con người, giúp tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, để máy móc làm tốt thì trước hết con người phải làm ra đúng loại máy móc cần thiết. Tuy nhiên, có những thứ nên sử dụng máy móc, nhất là các công việc nhàm chán lặp đi – lặp lại.
Máy móc, dù như thế nào, vẫn chỉ là công cụ cho con người, do đó, các SME vẫn phải tiếp tục đầu tư thích đáng cho nhân sự sau đó mới đến robot.