QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌC THUẬT
HIỆP HỘI MARKETING VIỆT NAM (VMA)
Nhiệm kỳ 2024-2029
GIỚI THIỆU HỘI ĐỒNG VMA ACADEMIC COUNCIL

Chương I: Quy định chung

Điều 1. Mục đích thành lập

Hội đồng Học thuật trực thuộc Hiệp hội Marketing Việt Nam (VMA) được thành lập nhằm:

  1. Định hướng chiến lược phát triển chuyên môn và nghiên cứu trong lĩnh vực Marketing.
  2. Tăng cường sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành Marketing.
  3. Tư vấn và hỗ trợ tổ chức các hoạt động học thuật, hội thảo, diễn đàn và các sự kiện sáng tạo, ứng dụng vào thực tiễn.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động

Hội đồng Học thuật hoạt động dựa trên các nguyên tắc sau:

  1. Tự nguyện: Thành viên tham gia trên cơ sở tự nguyện, vì lợi ích chung của ngành Marketing.
  2. Minh bạch và dân chủ: Quy trình ra quyết định và tổ chức các hoạt động được công khai, minh bạch và dựa trên sự đồng thuận.
  3. Phối hợp đồng bộ: Đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các thành viên và các bên liên quan.
  4. Chuyên nghiệp và sáng tạo: Mọi hoạt động đều hướng đến sự chuyên nghiệp và đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển của ngành Marketing.

Điều 3. Phạm vi hoạt động

Hội đồng Học thuật hoạt động trong các lĩnh vực:

  1. Nghiên cứu và phát triển chuyên môn trong Marketing.
  2. Tư vấn chiến lược cho các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến Marketing.
  3. Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
  4. Tổ chức các hoạt động học thuật, hội thảo, diễn đàn và hợp tác quốc tế.

Chương II: Cơ cấu tổ chức

Điều 4. Thành phần Hội đồng Học thuật

  1. Chủ tịch Hội đồng: Là người có uy tín, chuyên môn cao, được bầu chọn từ các thành viên Hội đồng.
  2. Phó Chủ tịch Hội đồng: Hỗ trợ Chủ tịch trong việc triển khai các nhiệm vụ và giám sát hoạt động của Hội đồng.
  3. Ủy viên thường trực: Là các thành viên tích cực, chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động chuyên môn.
  4. Ủy viên chuyên trách: Phụ trách các lĩnh vực chuyên môn cụ thể như nghiên cứu, tổ chức sự kiện, hợp tác quốc tế.
  5. Thư ký Hội đồng: Phụ trách công tác hành chính, lập kế hoạch và báo cáo hoạt động.

Điều 5. Tiêu chí lựa chọn thành viên

  1. Có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực Marketing hoặc ngành liên quan.
  2. Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu hoặc thực tiễn Marketing.
  3. Tâm huyết với sự phát triển của ngành Marketing, có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng hoặc giới nghiên cứu.
  4. Được đề cử bởi Ban Giám hiệu các trường đại học, học viện hoặc Ban Chấp hành VMA.

Điều 6. Quyền hạn và trách nhiệm của thành viên

  1. Quyền hạn:
    • Tham gia vào các hoạt động học thuật và sự kiện do Hội đồng tổ chức.
    • Đóng góp ý kiến và đề xuất các sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng.
    • Đại diện cho VMA ký kết các văn bản đề xuất, khuyến nghị với các CQQLNN và cơ sở đào tạo
    • Được sử dụng danh nghĩa của VMA khi phát biểu với các cơ quan truyền thông có liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu học thuật.
    • Hưởng các quyền lợi liên quan đến kết nối, nghiên cứu và phát triển chuyên môn.
  2. Trách nhiệm:
    • Tuân thủ các quy định, quy chế và nhiệm vụ được giao.
    • Tham gia đầy đủ các cuộc họp, hội thảo và hoạt động của Hội đồng.
    • Đảm bảo tính bảo mật thông tin và minh bạch trong mọi hoạt động.

Chương III: Chức năng và nhiệm vụ

Điều 7. Chức năng

  1. Tư vấn chiến lược phát triển chuyên môn và nghiên cứu cho VMA.
  2. Kết nối các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và cộng đồng học thuật để thúc đẩy hợp tác và sáng tạo.
  3. Tổ chức các chương trình hội thảo, diễn đàn, và các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trong Marketing.
  4. Tham vấn, phản biện chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, tham gia các chương trình hội thảo quốc gia, quốc tế về chuyên môn marketing, kinh doanh, kinh tế

Điều 8. Nhiệm vụ cụ thể

  1. Định hướng nghiên cứu và đào tạo:
    • Đề xuất các hướng nghiên cứu và đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
    • Hỗ trợ phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn.
  2. Hợp tác và kết nối:
    • Phát triển mạng lưới đối tác trong nước và quốc tế.
    • Hỗ trợ tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các trường, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
    • Phát triển cộng đồng Marketer
  3. Tổ chức sự kiện học thuật:
    • Chủ trì hoặc đồng tổ chức các hội thảo, diễn đàn chuyên ngành Marketing.
    • Tham gia tổ chức các giải thưởng, cuộc thi sáng tạo trong lĩnh vực Marketing.
  4. Tham gia đấu thầu các đề tài cấp tỉnh (cấp Bộ) và cấp nhà nước
    • Chủ trì hoặc đồng chủ trì các đề tài với các cơ sở đào tạo/viện nghiên cứu
    • Phối hợp nghiên cứu và chuyển giao đề tài

Chương IV: Hoạt động và quản lý tài chính

Điều 9. Quy chế hoạt động

  1. Hội đồng tổ chức họp định kỳ ít nhất 2 lần/năm và họp bất thường khi cần thiết.
  2. Quyết định của Hội đồng được thông qua trên cơ sở biểu quyết, với ít nhất 2/3 số phiếu đồng thuận.
  3. Các hoạt động của Hội đồng được quản lý và giám sát bởi Ban Chấp hành VMA.

Điều 10. Quản lý tài chính

  1. Ngân sách hoạt động của Hội đồng được phân bổ từ VMA và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.
  2. Việc sử dụng kinh phí phải tuân thủ các quy định tài chính hiện hành và đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Chương V: Hiệu lực thi hành

Điều 11. Sửa đổi và bổ sung

  1. Quy chế này có thể được sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng và phê duyệt bởi Ban Chấp hành VMA.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

  1. Quy chế này có hiệu lực từ ngày ký.
  1. Tất cả các thành viên và tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong quy chế.

    

Hiệp hội Marketing Việt Nam (VMA)

 CHỦ TỊCH