Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM
Giải thưởng “Thương hiệu Vàng TPHCM” là giải thưởng thường niên, bắt đầu từ năm 2020 do UBND TPHCM chủ trì tổ chức và giao cho Sở Công Thương phối hợp với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thực hiện.
Mục tiêu của giải thưởng là tôn vinh các doanh nghiệp trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực và thành công trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu gắn liền với phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Qua giải thưởng, thành phố muốn tạo động lực để khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của thương hiệu doanh nghiệp thành phố tại thị trường trong nước và quốc tế.
Giải thưởng năm 2021 được tổ chức trong một bối cảnh rất đặc biệt là đợt bùng dịch ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội và nền kinh tế, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì vậy, Sở Công Thương đã chủ động mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhằm tôn vinh những gương mặt xứng đáng sau một năm đối mặt với thử thách lớn chưa từng có.
Trong cuộc họp bàn để chấm điểm, có ý kiến thắc mắc về việc số lượng hồ sơ năm nay ít hơn năm ngoái nhưng đây là điều dễ hiểu vì năm 2021 là một năm rất khó khăn. Tôi cho rằng, số lượng ngành nghề của các doanh nghiệp tham gia giải thưởng có thể phản ảnh được nền kinh tế TPHCM. Gần như đầy đủ các ngành nghề kinh tế chính của thành phố như dịch vụ, sản xuất, địa ốc, công nghiệp… đều có doanh nghiệp tham gia.
Để chọn ra những gương mặt xứng đáng, cùng với kết quả chấm điểm của Hội đồng bình chọn, Tổ giúp việc của Ban tổ chức cũng đã gửi văn bản đến Cục thuế TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng cơ quan bảo hiểm xã hội để kiểm tra việc tuân thủ chính sách, pháp luật của doanh nghiệp.
Ông Trần Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam
Các tiêu chí của “Thương hiệu Vàng TPHCM lần 2 năm 2021” là những thách thức thật sự cho doanh nghiệp tham gia. Vì thế, có thể nói rằng, việc đạt được giải thưởng này là một thành tựu, cho thấy doanh nghiệp đã vượt qua được những khó khăn trong quá trình kinh doanh.
Ở thời điểm này, tuy chưa thể công bố các gương mặt đoạt giải nhưng nhìn vào danh sách doanh nghiệp tham gia có thể cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp, sự năng động của doanh nghiệp trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thách thức vì dịch bệnh như năm qua. Tốp các doanh nghiệp được Hội đồng bình chọn thông qua là rất xứng đáng.
Chúng tôi mong rằng, qua giải thưởng này có thể tiếp sức, giúp các doanh nghiệp hoàn thiện hơn các quy trình về sản phẩm dịch vụ, đầu tư chiến lược để phát triển bền vững.
Như tôi đã nói ở trên, do các tiêu chí của giải thương hiệu vàng thực sự là rất thách thức, bao trùm các vấn đề kinh doanh, chính sách nhân sự, quản trị thương hiệu… đòi hỏi doanh nghiệp phải rất khó khăn mới đáp ứng được cho nên cần số hóa các kết quả này nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu cho những doanh nghiệp khác tham khảo.
Ông Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng Viện ISB, Đại học Kinh tế TPHCM
Là thành viên Hội đồng bình chọn hai năm liên tiếp, tôi thấy rằng so về chất lượng thì không có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp tham gia giải thưởng lần này với với giải lần thứ nhất năm 2020. Các thương hiệu được chấm điểm cao đều là những thương hiệu đã ghi được những dấu ấn, từ quy mô đến hình ảnh thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
Dựa trên mục tiêu của UBND TPHCM khi tổ chức giải thưởng này là tạo nên sự bảo chứng cho uy tín của doanh nghiệp, và thông qua thương hiệu của doanh nghiệp góp phần tạo nên giá trị chung của thương hiệu TPHCM, thì đây đúng là những gương mặt đáng được ghi nhận và xứng đáng nhận giải thưởng.
Tôi cho rằng, cùng với những doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đoạt giải lần này là những công ty có động lực và sự tự tin để gầy dựng thương hiệu trong điều kiện khắc nghiệt của thị trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của công ty và giúp nền kinh tế TPHCM giữ vững vị trí đầu tàu của cả nước.
Sau hai năm tổ chức thành công, chúng tôi kỳ vọng trong lần thứ ba, giải thưởng sẽ có sự bứt phá hơn nữa. Đặc biệt, là sẽ mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp mới, những doanh nghiệp chưa có đủ bề dày trong thị trường nhưng có những thành công đáng được ghi nhận.
Ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Giải thưởng “Thương hiệu Vàng TPHCM lần 2 năm 2021”diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, hết sức khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài và phức tạp, nhưng chúng tôi đã nhận được sự quan tâm từ nhiều doanh nghiệp qua những bộ hồ sơ tham gia giải rất hoàn chỉnh, nghiêm túc nên số lượng hồ sơ không hợp lệ bị loại là rất ít.
Một điều đặc biệt của giải thưởng năm nay là cùng với rất nhiều ngành nghề sản xuất, dịch vụ tiêu biểu của thành phố còn có sự xuất hiện của một số bệnh viện. Điều này cũng khá dễ hiểu, bởi trong năm Covid-19 vừa qua, đây là những nơi hoạt động rất mạnh mẽ và các bệnh viện ngày càng quan tâm hơn đến việc đầu tư, quảng bá cho dịch vụ và thương hiệu thay vì chỉ tập trung vào chuyên môn như trước đây.
Để chọn được những thương hiệu vàng cho TPHCM, Hội đồng bình chọn gồm, nhà khoa học, chuyên gia về thương hiệu đã làm việc hết sức nghiêm túc. Năm nay, khi bình chọn, chúng tôi lưu ý đến những vấn đề về cộng đồng và khả năng vượt khó trong tình hình hết sức khó khăn vì dịch bệnh, cũng như lưu ý đến những yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đây là yếu tố hết sức quan trọng vì chúng tôi, gồm Hội đồng bình chọn, Ban tổ chức giải và doanh nghiệp đều đồng tình là ở một thành phố phát triển năng động như TPHCM thì yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp có Thương hiệu Vàng không chỉ là đạt được lợi nhuận tốt cho bản thân, mà còn là đem lại sự phát triển chung cho cộng đồng và xã hội.