Bi quan và tuyệt vọng đáng sợ hơn đại dịch

Phạm Phú Ngọc Trai - (TBKTSG Online)
 

Bi quan và tuyệt vọng đáng sợ hơn đại dịch.
(TBKTSG Online) – Đại dịch Covid-19 đang cướp đi hàng vạn sinh mạng trên toàn thế giới và gieo rắc sợ hãi khắp nơi. Tuy Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi, nhưng thiệt hại mà nó để lại trên các nền kinh tế vẫn không thể lường hết.

Đừng ngã quỵ khi đối diện với “đống đổ nát”

Nền kinh tế Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các con số hiện nay chỉ là dự báo. Nhưng dù con số thiệt hại lớn đến đâu, chúng ta vẫn có thể vượt qua khó khăn, nếu chúng ta đủ bình tĩnh và gan dạ.

Một điều chúng ta cần nhớ là đại dịch lần này không phải là đầu tiên với nhân loại và chắc chắn cũng không phải là khủng hoảng sau cùng.

Các khủng hoảng trong tương lai như sự thay đổi quy mô lớn do biến đổi khí hậu, chiến tranh mạng, v.v… chẳng hạn, là những khủng hoảng gần như chắc chắn xuất hiện trên đường chân trời. Mặc dù những khủng hoảng tiềm năng này có thể không nhanh hoặc lan rộng như đại dịch hiện tại, nhưng nỗi đau sẽ không ít đối với những người phải đối phó với nó.

Xét về khía cạnh tồn tại, hoạt động kinh tế là cái xương sống, mà các đốt là hệ thống doanh nghiệp.

Khi chúng ta bắt đầu nghĩ về việc xử lý các tác động kinh tế của đại dịch này, chúng ta thường nghĩ ngay đến các giải pháp kinh tế vĩ mô đã được áp dụng trong hơn thập kỷ qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ví dụ như cố gắng giãn nợ và giảm lãi suất để củng cố thị trường vốn.

Nhưng đại dịch lần này lớn hơn gấp nhiều lần so với bất kỳ khủng hoảng nào đã xảy ra trong hơn một thế kỷ qua. Vì vậy, ở phạm vi toàn cầu, khu vực hay từng quốc gia, chúng ta đều phải nhận diện cho đúng quy mô thiệt hại mà nó gây ra cho nền kinh tế. Trong tương quan so sánh với kinh tế thế giới và từng nền kinh tế quốc gia khác, Việt Nam chúng ta có thể có lợi thế (cũng như nhược điểm) khác biệt.

Vấn đề phục hồi kinh tế quan trọng sau đại dịch là xây dựng lại các nhu cầu thực sự bền vững – cả về kinh tế và môi trường. Khả năng là sẽ có một sự thay đổi đáng kể và thận trọng trong thái độ tiêu dùng ở cả cấp độ cá nhân và doanh nghiệp. Tuy vậy, hy vọng và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn sẽ là một chìa khóa quan trọng cho việc tái lập kinh tế.

Hiện nay, dù dồn sức chống dịch, các quốc gia đều chuẩn bị kịch bản xây dựng lại các nền kinh tế với các toa thuốc phục hồi sáng tạo. Là tế bào của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng đang tập trung vào các vấn đề tương tự.

Câu hỏi lớn là: “Làm sao để doanh nghiệp vẫn tồn tại trong đại dịch và đủ sức đứng lên sau đại dịch?” Quan trọng hơn, là làm sao phát triển trong một thị trường “không giống ngày hôm qua”?

Như trên đã nói, sau đại dịch, tái xây dựng kinh tế là tái lập các nhu cầu mới bền vững hơn của thị trường. Vấn đề ở đây là mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ cá thể có đủ can đảm “làm lại từ đầu” hay không? Hãy nghĩ đến điều đó ngay trong thời gian sống giữa tâm dịch. Nếu không, khi đại dịch qua đi, chưa kịp hoàn hồn, bạn đã ngã quý khi đối diện với “đống đổ nát”.

Đại dịch không giết bạn, bi quan và tuyệt vọng giết bạn

Con người vẫn tiếp tục ăn, thở, sống… và chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng lớn tiếp theo, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam sẽ định hình lại, ví dụ: chi tiêu cho sức khỏe sẽ cao hơn, chi tiêu cho đi lại sẽ giảm xuống, chi tiêu cho môi trường cao hơn… Và liệu đó có phải là cơ hội mới cho các doanh nghiệp bây giờ?

Khi mà hầu hết doanh nghiệp điêu đứng trong quí 1-2020, thì Samsung – nhà sản xuất thẻ nhớ lớn nhất thế giới lại giữ được lợi nhuận, vì nhu cầu cho thẻ nhớ gia tăng do làm việc tại nhà gia tăng bất ngờ. Thế nên, nếu lạc quan và can đảm bạn sẽ có sáng kiến trước hết cho mình, cho doanh nghiệp và xã hội.

Ngày 7-4-2020 – ngày nước Mỹ có số tử vong vì Covid-19 vượt qua 11.000 người, đài truyền hình CNN của Mỹ (và thế giới) vẫn viết về kinh tế Việt Nam: “Công nghệ sẽ tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam” với những số liệu và dẫn chứng khá sống động khi phỏng vấn các nhà khởi nghiệp công nghệ trẻ, có thể chưa thành công, nhưng đầy tự tin trước vận hội thành công của dân tộc.

Một bản tin khác cũng được nhiều hãng tin uy tín thế giới đưa trong những ngày khủng hoảng: “Tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup chuyển đổi sang sản xuất máy trợ thở (ventilator)”. Đây có thể không chỉ là cơ hội ngắn hạn cho Vingroup khi mà, sau Covid-19 thị trường thiết bị y tế thế giới bùng nổ.

Theo giáo sư Trần Văn Thọ tại Đại học Waseda Nhật, cũng là thành viên tư vấn kinh tế của Chính phủ Việt Nam, những ngày qua, ông đã đến gặp nhà phát minh Trần Ngọc Phúc thuộc công ty thiết bị y tế Metran tại Nhật. Rất may, Metran cũng vừa phát minh một loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác, giá thành thấp và quan trọng hơn cả là người đứng đầu Metran sẵn sàng chuyển giao công nghệ này về Việt Nam.

Trong tháng 4 này, Metran sẽ cùng Việt Nam triển khai sản xuất thiết bị y tế cực kỳ quan trọng trong công tác chống dịch Covid-19.

“Trước mắt, Việt Nam có thể sản xuất 2.000 chiếc máy trợ thở, sau đó sẽ tăng lên 10.000 chiếc trong vòng 3 tháng tới. Trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy này nên song song với việc đáp ứng nhu cầu trong nước, chúng ta có thể phát triển công nghiệp xuất khẩu máy y tế”, giáo sư Trần Văn Thọ tính toán.

Cả thế giới đang tính toán con số thiệt hại cụ thể do dịch Covid-19 gây ra và chuẩn bị những gói tài chính “kích thích” hay “giải cứu”. Việt Nam chúng ta, dù nền kinh tế chưa lớn đủ cho các gói kích thích kỳ vọng, nhưng cũng đã hành động đúng lúc. Gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỉ đồng phần nào cũng chỉ “đốt lên một que diêm” thôi. Nỗ lực chính vẫn là từ cộng đồng doanh nghiệp.

Trong chia sẻ này, tôi muốn nói đến cạnh tranh trong tác động của dịch Covid-19 toàn cầu.
Với sự hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, chúng ta nên thấy ánh sáng không chỉ đến từ việc khống chế được dịch và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, mà nên nhận biết “lợi thế cạnh tranh” xuất hiện trong quá trình phòng chống dịch và tận dụng nó khi dịch qua đi.

Nguồn lực lao động: tài sản quốc gia

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự báo khoảng 30% doanh nghiệp chỉ duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% chỉ trụ được nửa năm nếu Covid-19 kéo dài, theo khảo sát của VCCI.  “Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới”, báo cáo của VCCI nêu.

Tương tự như khủng hoảng 2008, VCCI dự báo hàng trăm ngàn doanh nghiệp sẽ ra đi. Hiện thực diễn ra gần đúng như vậy. Song song đó, hiện thực cũng cho thấy “doanh nghiệp có thể chết, nhưng con người của các doanh nghiệp đó không chết”. Họ, chứ không ai khác, đã đóng góp cho tăng trưởng của Việt Nam – nền kinh tế mới nổi – bình quân trên 6% trong 10 năm qua.

Nếu họ vẫn sống, họ vẫn có thể xây dựng lại hoặc xây dựng những doanh nghiệp mới. Một yếu thế của kinh tế Việt Nam là hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng đồng thời, yếu thế đó sẽ là sự thuận tiện trong khủng hoảng khi dễ dàng “xóa bài, làm lại”.

Quốc gia nào cũng quan tâm đến tăng trưởng. Nếu so sánh các kịch bản của Việt Nam trong tác động của Covid-19 với các nước khác, thì dù tỷ lệ của chúng ta có giảm nhưng vẫn “nhỉnh” hơn các nước khác tính về tương quan. Dự báo tăng trưởng Việt Nam có thể đạt trên 4% năm 2020, cao nhất của khu vực.

Để nắm bắt cơ hội và quản trị tốt sự rủi ro, trong quyết sách của bất cứ doanh nghiệp nào cũng nên nhìn thấy các vấn đề về “hậu Covid-19”. Nếu đánh giá và lựa chọn theo tiêu chí nơi nhập khẩu, thị trường, môi trường kinh doanh… thì Việt Nam vẫn giữ được thế tích cực của một thị trường tiềm năng và đầy hứa hẹn.

Do ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu sụt giảm theo xu thế tất yếu của thị trường khiến định phí trở thành một gánh nặng rất lớn đối với đại đa số doanh nghiệp. Dù họ có thể cắt bớt hoặc tiết giản một số các biến phí như chi phí tiếp thị, bán hàng… nhưng đa phần những định phí như chi phí mặt bằng, khấu hao, lãi vay… đặc biệt là chi phí nhân công cơ hữu đều phải gồng gánh đầy đủ, không đơn giản muốn cắt giảm là có thể cắt giảm ngay. Thường thì những chi phí này chiếm tỷ trọng rất lớn đối với một số ngành như du lịch, khách sạn, giải trí, dịch vụ ăn uống,…

Hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang tập trung tháo gỡ những khó khăn của chính mình với một loạt các kiến nghị đối với Chính phủ về thuế, bảo hiểm xã hội, lãi vay… Hy vọng họ sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước vì đã có chủ trương từ người đứng đầu Chính phủ.

Covid-19 không bó cái khôn của chúng ta khi đối đầu trực tiếp với nó, nhưng liệu sau khi nó ra đi, cái khó tiếp theo của nền kinh tế liệu có “bó” cái khôn của chúng ta? Tôi nghĩ là không. Những trải nghiệm trong khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, đã cho chúng ta không ít các bài học hữu ích.

Trong các ưu tiên, chúng tôi nghĩ một điều không thể bỏ sót mà phải đưa lên ưu tiên hàng đầu đó là lực lượng lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dầu doanh nghiệp đang cố gắng duy trì đến mức có thể với sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, nhưng với cách nhìn kinh điển “lực lượng lao động chỉ đem đến gánh nặng chi phí” trong bối cảnh cần tiết giản tối đa, liệu lực lượng lao động trong các doanh nghiệp có đang thực sự được xem trọng trong một nỗ lực bảo toàn?

Thật ra quan niệm này có phần chưa đầy đủ. Thay vì xem người lao động là chi phí chúng ta hãy xem đây là tài sản quý báu của doanh nghiệp và là “lợi thế cạnh tranh mềm” của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như của từng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Tưởng tượng, một ngày khi đại dịch Covid-19 qua đi, để tái phục hồi nền kinh tế, ngoài các tiềm lực tài chánh, thị trường, công nghệ,… mà quốc gia nào cũng chú trọng, thì thế mạnh chính yếu của chúng ta sẽ là gì đối với vị thế cạnh tranh chung? Khi ấy, chúng tôi tin rằng nguồn lao động lành nghề với hàng triệu người đã được đào tạo, sắp xếp tương thích với với sự phát triển của từng ngành nghề, từng địa phương sẽ là một thách thức lớn.

Từ đó, nhà nước và doanh nghiệp nên có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ người lao động và bảo vệ họ vượt qua thời khắc khó khăn trước mắt. Nguồn nhân lực chuyên nghiệp này chính là tài sản vô giá của đất nước, vì vậy, dù nguồn lực hạn chế đến đâu, cũng không để “tài sản vô giá” bị mất máu quá nhiều.