Sự tăng trưởng chậm lại của thành phố sẽ có nhiều tác động đến tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, TP HCM tập trung mọi nguồn lực, mọi giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế…
Nhận định về diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc đã lan sang 212 quốc gia. Song đến nay, số ca lây nhiễm và tử vong chủ yếu ở 10 quốc gia có số ca nhiễm từ 100.000 ca trở lên như: Mỹ, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Ý, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Iran. Tổng số ca nhiễm ở 10 quốc gia này chiếm 75% tổng số các ca nhiễm trên toàn thế giới (2,72 triệu người) và chiếm 78% tổng số người chết toàn cầu (196.230 người).
Từ lập luận trên, Bí thư Nhân nhận định, các nước sẽ thoát khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới với thời gian và quy mô khác nhau. Do đó, Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước và với điều kiện cụ thể, vào các thời điểm khác nhau, từ tháng 5 – 12/2020.
“Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao để phát hiện và kiểm soát kịp thời nguy cơ lây nhiễm của trên 6 triệu khách du lịch nước ngoài có thể vào Việt Nam từ tháng 5 – 12/2020” – Bí thư Nhân nói.
Từ những vấn đề nêu trên, người đứng đầu Thành ủy TP. HCM đã nêu ra 10 giải pháp nhằm phát triển kinh tế TP. HCM, cụ thể như sau:
Một là:, Phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới. Thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng, dịch vụ. Phát triển và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm COVID-19.
Hai là, Ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp. Hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (từ tháng 5-6/2020). Hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp. Hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhắm vào nhu cầu của thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.
Ba là, Hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.
Bốn là, Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào từng thời điểm phù hợp (từ tháng 5-12/2020).
Năm là, Thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của thành phố và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh.
Sáu là, Triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.
Bảy là, Đẩy mạnh xây dựng khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2, phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP. HCM, đẩy mạnh đầu tư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tám là, Hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay.
Chín là: Hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sang tạo.
Mười là: Phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của thành phố, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý TP. HCM, phát triển hạ tầng TP. HCM, phát triển nhân lực và văn hóa TP. HCM) và Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP. HCM giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030 để triển khai mạnh mẽ từ năm 2021.
TTO – Sáng 5-5, tọa đàm ‘Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM’ 2020 đã khai mạc với sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Tham gia tọa đàm có lãnh đạo UBND TP.HCM, 50 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, đại diện 14 hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo 11 sở ngành, đơn vị liên quan, các chuyên gia kinh tế cùng góp mặt để bàn các giải pháp.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, khách dự tọa đàm được chia làm 3 phòng họp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn chứng quý 1-2020 TP.HCM chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế là 0,42% so cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.
Theo ông Phong, với vai trò là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, TP luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước trung bình từ 1,1 đến 1,2 lần trong một thời gian dài, sự tăng trưởng chậm lại của TP sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước.
“Vì vậy, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế TP là “mệnh lệnh” cần làm ngay trong bối cảnh hiện nay để vực dậy kinh tế TP” – ông Phong nhấn mạnh.
Đề cập đến các doanh nghiệp, chủ tịch UBND TP đánh giá bên cạnh sự nỗ lực tự thân để vượt qua các tác động của dịch COVID-19 (như từ khâu đầu vào như: nguyên vật liệu, lao động, vốn đến khâu đầu ra như khách hàng, thị trường, đối tác..) thì sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là rất quan trọng, nếu chậm trễ sẽ làm doanh nghiệp rơi vào trạng thái khó khăn và đi đến phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy như: tăng tỉ lệ thất nghiệp, tạo gánh nặng về an sinh xã hội và gia tăng tội phạm…
Từ thực tế trên, ông Phong mong muốn ghi nhận các ý kiến đóng góp từ chuyên gia kinh tế, lắng nghe các vướng mắc khó khăn từ phía doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các hiệp hội ngành nghề, làm cơ sở để tiếp tục đánh giá theo chiều sâu tác động của đại dịch này đến một số ngành kinh tế chủ lực của TP trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi chiến sĩ trên mặt trận kinh tế phải cùng chung tay để biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội”, ông Phong gửi gắm: “Qua buổi tọa đàm này, lãnh đạo TP mong muốn được lắng nghe các kế sách cũng như sự tham vấn từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giúp lãnh đạo TP đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển sau dịch”.